Khóa học Monozukuri

Tổng quan chương trình

Bắt đầu từ tháng 9 năm 2005, Chương trình đào tạo Monozukuri hay còn gọi là Bí quyết thành công trong sản xuất và kinh doanh của Toyota đã được Quỹ Toyota Việt Nam triển khai tại Việt Nam và đã dành được nhiều sự quan tâm của sinh viên và nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh tại Việt Nam.

Và để hệ thống hóa chương trình này, TMV đã phối hợp với trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội đưa Trung tâm Đào tạo Monozukuri đi vào hoạt động từ năm 2006 dưới sự đồng thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo. TMV hy vọng các khóa học sẽ cung cấp cho các giảng viên, sinh viên các trường đại học và các nhà quản lý doanh nghiệp Việt Nam những bí quyết thành công của Toyota trong sản xuất và kinh doanh. Khóa học cũng hướng đến việc ứng dụng những bí quyết sản xuất và kinh doanh của Toyota vào các tình huống thực tế tại các doanh nghiệp Việt Nam nhằm đem đến cho học viên những kinh nghiệm thực tế trong việc áp dụng kiến thức đã học vào cải tiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Cho đến nay, đã có 47 khóa học Monozukuri được tổ chức dưới sự hướng dẫn của các giáo sư từ các trường đại học nổi tiếng trên thế giới, các lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Toyota Nhật Bản cũng như các giảng viên hàng đầu của Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại, Khóa học đã thu hút sự tham gia của hơn 700 sinh viên và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó, một số học viên là đại diện cho các nhà cung cấp nội địa của TMV đã ứng dụng thành công các kiến thức học được vào thực tế kinh doanh của doanh nghiệp mình. Điển hình là Công ty TNHH Công nghiệp Chính xác Việt Nam I (VPIC) chuyên cung ứng cột phụ tùng dập cho xe Innova đã bước đầu ứng dụng Hệ thống sản xuất Toyota vào sản xuất từ tháng 1 năm 2008 và đã đạt được những tiến bộ đầu tiên trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh nhất định.

Tại sao cần Monozukuri

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới và sẽ sớm mở cửa nền kinh tế cho các quốc gia khác. Điều này mang lại cho các doanh nghiệp và người dân Việt Nam cả cơ hội và thách thức. Một thách thức hiển hiện là “bức tường thuế quan”, vốn được dựng nên nhằm bảo hộ nền kinh tế quốc dân, sẽ bị kéo đổ hoặc giữ ở mức thấp trong tương lai dẫn đến việc các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt từ bên ngoài. Để có thể biến thách thức thành cơ hội, các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Có thể đạt được điều này bằng việc tiến hành đồng thời 2 việc: nâng cao chất lượng sản phẩm và giữ chi phí ở mức hợp lý. Nếu không làm được điều này, các doanh nghiệp sẽ luôn ở thế yếu trong cạnh tranh.  

Làm thế nào để sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao với chi phí hợp lý

Để có sản phẩm chất lượng cao với chi phí hợp lý cần đạt được 3 yếu tố sau: Kỹ năng, Kiến thức, và Bí quyết sản xuất. Tại Toyota, chúng tôi biết rằng cần xây dựng một cơ chế chuyển giao Kỹ năng có hệ thống, một cơ chế kích thích sự Liên tục Cải tiến (chúng tôi gọi là Kaizen), một qui trình sản xuất “tối ưu” nhằm đạt được “hiệu quả và giảm chi phí”, và điều quan trọng là quản lý tốt cả 3 yếu trên. Chúng tôi cũng biết rằng yếu tố quan trọng nhất trong qui trình này là con người, chứ không phải là máy móc. Chính vì vậy, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực là điều hết sức quan trọng. Đây là lí do Quỹ Toyota Việt Nam giới thiệu và thực hiện khoá học Monozukuri – Bí quyết thành công trong sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam nhằm chia sẻ với người dân Việt Nam bí quyết thành công của Toyota trong sản xuất và kinh doanh.